Chất Gây Ô Nhiễm Không Khí và Ảnh Hưởng Sức Khỏe

Ozone

Ozone ở tầng mặt đất, hay còn gọi là “khói lẫn sương”, được tạo ra khi các hợp chất hữu cơ hoạt tính và oxit nitơ bị “nấu chín” trong bầu khí quyển thấp bởi tia cực tím của mặt trời. Ozone tạo thành ở một phần của Vùng Vịnh có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực khác do dòng không khí cục bộ và bị mắc kẹt bởi các đặc điểm địa lý như thung lũng trũng.

Ảnh Hưởng Đến Sức Khỏe

Kích ứng đường hô hấp

Ozone có thể gây ho, đau đầu và kích ứng mắt, mũi và họng. Các triệu chứng có thể kéo dài vài giờ sau khi tiếp xúc với ozone và thậm chí còn gây đau.

Suy giảm chức năng phổi

Chức năng của phổi dựa trên lượng không khí hít vào trong một hơi thở đầy và tốc độ thở ra. Ozone có thể khiến bạn khó thở sâu và nhanh hơn bình thường.

Khiến bệnh hen suyễn trầm trọng hơn

Khi nồng độ ozone cao, nhiều người dễ bị lên cơn hen suyễn hơn. Ozone làm cho mọi người nhạy cảm hơn với các chất gây dị ứng, chẳng hạn như mạt bụi, vật nuôi và phấn hoa, là những tác nhân phổ biến nhất gây ra cơn hen suyễn.

Viêm và tổn thương niêm mạc phổi

Ảnh hưởng của khí ozone lên niêm mạc phổi tương tự như tác động của cháy nắng trên da. Ozone làm tổn thương các tế bào lót khoảng không trong phổi. Tuy nhiên, sau vài ngày, các tế bào bị tổn thương thường được chữa lành, giống như da phục hồi sau cháy nắng một cách tự nhiên vậy.

Ảnh hưởng lâu dài

Hầu hết các tác động đến sức khỏe của ozone được coi là có tính ngắn hạn vì cuối cùng chúng sẽ hết khi mức ozone giảm xuống. Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy tổn thương ngắn hạn lặp đi lặp lại do tiếp xúc với ozone có thể khiến phổi bị tổn thương vĩnh viễn. Các nghiên cứu khác ở khu vực ô nhiễm nặng đã xác định có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc lâu với ozone với sự phát triển của chứng bệnh hen suyễn ở trẻ em.

Tác Động Đến Môi Trường

Ô nhiễm ozone cũng có ảnh hưởng đến môi trường. Trong đó bao gồm:

  • Giảm sinh trưởng, sinh sản và sức khỏe tổng thể của cây trồng. Ozone cản trở khả năng sản xuất và lưu trữ thức ăn của thực vật. Điều này cũng làm cho thực vật, cây cối trở nên yếu hơn và dễ bị nhiễm bệnh, sâu bệnh và áp lực từ môi trường.
  • Làm hỏng hoặc chết lá, khiến lá xuất hiện đốm, chuyển màu nâu hoặc rụng sớm.
  • Giảm năng suất nông nghiệp đối với nhiều loại cây trồng quan trọng về kinh tế, bao gồm đậu nành, đậu tây, lúa mì và bông.

Các nhà khoa học tin rằng tác động của ozone trên mặt đất đối với các loài sống lâu năm – chẳng hạn như cây trồng – tích tụ trong nhiều năm, do đó toàn bộ khu rừng hoặc hệ sinh thái có thể bị ảnh hưởng.